Đánh giá Asus FonePad 7


Asus FonePad 7. 
Sau thành công của thế hệ đầu tiên khi là một trong những model máy tính bảng bán chạy hàng đầu tại Việt Nam, Asus mới đây tiếp tục giới thiệu dòng FonePad thế hệ thứ 2. Hãng vẫn giữ lại những điểm mạnh chính là khả năng nghe gọi và nhắn tin như thông thường nhưng bổ sung thêm một số trang bị hỗ trợ giải trí mạnh mẽ mà đặc biệt là hệ thống loa ngoài kép. 
FonePad 7 trang bị màn hình 7 inch độ phân giải HD 1.280 x 800 pixel, tấm nền IPS cho góc nhìn rộng 178 độ. Cấu hình máy cũng được nâng cấp với bộ vi xử lý Intel Atom Z2560 lõi kép tốc độ 1,6 GHz công nghệ siêu phân luồng với 2 nhân và 4 luồng xử lý thay vì một nhân như trước đây. 
Giá bán tham khảo của máy là 6,5 triệu đồng nhưng đang được nhiều đại lý, cửa hàng bán với giá chỉ dưới 6 triệu đồng. 

Asus thay đổi khá nhiều về thiết kế của FonePad mà dễ nhận thấy nhất chính là chất liệu nhựa thay vì vỏ nhôm. Máy nhờ vậy có cân nặng nhẹ hơn (từ 340 gram xuống còn 328 gram). Lớp vỏ vân sần dạng vòng tròn đồng tâm nhỏ phía sau cũng hạn chế khá năng bám vân tay và khá chắc khi cầm. Tuy nhiên, thực tế cầm vẫn cảm thấy máy hơi nặng và vỏ nhựa không tạo được thiện cảm bằng vỏ nhôm của thế hệ trước.
Một ưu điểm khác của vỏ nhựa là dễ dàng tạo ra nhiều phiên bản màu sắc khác nhau, xu hướng dần phổ biến ở phân khúc máy tính bảng giá tầm trung đến tầm thấp. Đây cũng có thể là lý do khiến Asus quyết định từ bỏ chất liệu nhôm như sản phẩm cũ.

Dòng FonePad 7 mới mang nhiều triết lý thiết kế giống dòng giá rẻ Memo Pad HD7. Ngoài vỏ nhựa, khe cắm thẻ nhớ microSD cũng được "để trần", khá tiện để tháp lắp nhưng gây ra những lo ngại về việc bụi có thể xâm nhập hoặc các vật thể nhỏ rơi vào bên trong. Máy sử dụng loại microSim đang dần phổ biến và kiểu tháo mở khá giống các di động cao cấp như iPhone, HTC. Tuy nhiên, lỗ chọc khá sâu nên khi sử dụng que chọc của hai mẫu di động kể trên cũng không đủ để đẩy khe sim ra. 
Ở phía hai cạnh, phím nguồn và phím tăng giảm âm lượng được thiết kế hơi nghiêng theo độ vát của cạnh. Thiết kế này giúp tay dễ cầm cũng như dễ bấm khi sử dụng. Điểm đặc biệt là các phím tăng giảm âm lượng có thể trở thành nút chụp cứng khi đang mở ứng dụng camera. Asus bố trí cổng kết nối microUSB ở cạnh dưới trong khi giắc cắm tai nghe 3,5 mm ở phía trên. 
Asus nhấn mạnh về hệ thống loa kép ở mặt trước và đây cũng là chi tiết dễ nhận thấy nhất ở mặt trước của máy. Trước đó, một nhà sản xuất Đài Loan khác là HTC cũng sử dụng hệ thống tương tự nhưng là với các mẫu di động thông minh. Bộ 2 loa stereo trước kết hợp công nghệ Asus Sonic Master cho chất lượng âm thanh rất lớn khá trong khi đưa mức âm lượng lên gần cao nhất. Âm bass khá tốt và vượt trội so với các mẫu tablet khác dù chưa tiệm cận được mức xuất sắc.


Trong bộ sản phẩm bán ra của FonePad 7 có một phụ kiện tuy nhỏ nhưng thú vị là dock chân đứng bằng nhựa. Chi phí sản xuất không lớn nhưng đây là một phụ kiện khá cần thiết giúp dựng máy đứng theo cả hai chiều trên các mặt phẳng dùng để xem video hay trở thành một thiết bị giải trí trên bàn hữu dụng.
Nâng cấp nhiều về cấu hình, tính năng giải trí nhưng Asus dường như "bỏ quên" màn hình khi vẫn có kích thước 7 inch độ phân giải 1.280 x 720 pixel như thế hệ cũ. Sản phẩm hiển thị hình ảnh khá sắc nét nhưng lại bị bóng và không dễ quan sát khi sử dụng ngoài trời ngay cả khi tăng độ sáng tối đa. Khi sử dụng trong phòng, các ánh sáng phát ra từ đèn trần cũng gây đôi chút sự khó chịu cho người sử dụng. 
Asus mặc định để màn hình máy hiển thị hơi ám màu ấm (vàng). Theo lý giải của hãng, tinh chỉnh này giúp người dùng đọc web hay sách điện tử lâu không bị mỏi mắt. Phần mềm đi kèm cho phép tính chỉnh để màu sắc ám nhiều sang gam lạnh (màu xanh) nhưng màu trắng trong trường hợp này vẫn không thực sự trong. 

Nhiều nhà sản xuất cài sẵn các phần mềm vào sản phẩm bán ra nhưng nếu xét về tính tiện dụng và thực tế thì Asus là một trong số ít đạt được điều này. Hãng có phần mềm chỉnh âm thanh, tối ưu cho bộ loa ngoài kép, ứng dụng lưu trữ đám mây của riêng Asus cũng như phần mềm điều chỉnh nhiệt độ màu cho màn hình như đã nói phía trên. 
FonePad 7 sở hữu cấu hình tốt với vi xử lý Intel Atom Z2560 lõi kép tốc độ 1,6 GHz công nghệ siêu phân luồng với 2 nhân và 4 luồng xử lý thay vì một nhân như trước đây cùng bộ nhớ RAM 1 GB. 
Điểm thử nghiệm với hai chương trình đánh giá hiệu năng. 
Sử dụng cho thấy máy rất mượt khi chuyển trang hoặc chơi các ứng dụng và rất ít khi xảy ra hiện tượng "lag" dù bộ nhớ RAM chưa lớn. Các thử nghiệm cũng cho thấy điểm hiệu năng khá ấn tượng so với tầm giá. Khi thử nghiệm bằng chương trình Quadrant Standard, máy đạt 5.794 điểm còn với AnTuTu Benchmark X Edition, máy đạt 17.678 điểm. 

Tính năng nổi bật nhất trên FonePad 7 vẫn là khả năng gọi điện và nhắn tin như một chiếc di động thông thường. Máy sử dụng loa thoại trong nên có thể áp sát vào tai để nghe thay vì sử dụng tai nghe bluetooth. Tuy nhiên, âm lượng dù sử dụng loa trong vẫn khá lớn nên người dùng cần phải vặn ở mức khoảng hai phần ba trở lại.

FonePad 7 trang bị camera độ phân giải 5 megapixel và không có đèn flash LED để trợ sáng. Chất lượng của camera này chỉ ở mức trung bình và đủ dùng. Độ chi tiết và sắc nét của hình ảnh khi chụp trời sáng cũng chưa thực sự ấn tượng. Trong khi đó nếu chụp trời tối thì nhiễu xuất hiện khá nhiều, các chi tiết ảnh cũng bị mất đáng kể trong khi không có đèn flash trợ sáng. 

Điểm khá lạ là FonePad 7 lại trang bị bộ pin dung lượng kém so với người tiền nhiệm là 3.950 mAh so với 4.270 mAh. Tuy nhiên, thời gian sử dụng pin dường như không suy giảm đáng kể. Trong mức sử dụng nghe gọi khoảng 3 đến 4 cuộc, chủ yếu lướt web. facebook khoảng 2 giờ, chơi game khoảng 1,5 giờ. Khoảng một đến hai giờ ho các giải trí khác như nghe nhạc, xem video hay chụp ảnh thì máy có thể "cầm cự" trong khoảng 1,5 ngày.

0 nhận xét:

video hai huoc