Đánh giá Oppo Find Muse

Với mức giá 3,5 triệu đồng, Find Muse vừa gia nhập vào thị trường smartphone tầm thấp đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những mẫu Android giá rẻ tới từ các thương hiệu tên tuổi như LG Optimus L4 II, Samsung Galaxy Trend hay HTC Desire 200, Sony Xperia E, sản phẩm của Oppo còn phải cạnh tranh với chiếc Windows Phone "ăn khách" Lumia 520 của Nokia. Tuy nhiên, Find Muse vẫn sở hữu những lợi thế riêng.

Thiết kế
IMG-2810-JPG-1376905011.jpg
Ngoại hình không phải là điểm nổi bật của Find Muse khi máy được thiết kế đơn giản. Tổng thể sản phẩm trông khá giống với đàn anh Find Clover giá 5 triệu đồng của Oppo. Mặt trước là màn hình 4 inch trong khung viền bảo vệ đen bóng, bên dưới là dãy phím cảm ứng với 3 nút quen thuộc. Toàn bộ thân vỏ của Muse được làm từ nhựa, kiểu vỏ rời.

Bù lại, đây là một sản phẩm có thiết kế tốt, tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng khi cho cảm giác cầm chắc chắn, ngoại hình gọn gàng dễ cất vào túi quần. Bên cạnh đó, lớp sơn mờ của máy có khả năng chống bám bẩn, khó lưu dấu vân tay, dù có màu trắng. 2 khe cắm sim nằm bên trong nắp lưng còn được thiết kế dạng lệch, 1 khe cắm cỡ lớn thông thường và 1 khe cắm nhỏ dạng micro-sim, nhưng đều hỗ trợ mạng 3G.
Oppo-Find-Muse-1-JPG-1376905011.jpg
Một chút bất tiện nhỏ ở Find Muse là việc phím nguồn nằm ở cạnh trái và phím âm lượng ở cạnh phải mỏng, hơi chìm nên khó thao tác, khe cắm thẻ nhớ không thể thay nóng. Bên cạnh đó, máy cũng chỉ có đúng phiên bản màu trắng mà không có thêm các màu sắc khác làm hẹp đi lựa chọn của người dùng.
 
Màn hình
Đây là lợi thế của Find Muse so với các đối thủ cùng tầm. So với Sony Xperia E Dual hay HTC Desire 200 cùng tầm giá, màn hình của máy to và có độ phân giải cao hơn, ngang ngửa với các đối thủ có giá xấp xỉ 4 triệu đồng như Samsung Galaxy Trend hay LG Optimus L5 II.
IMG-2820-JPG-1376905012.jpg
Màn hình trên Find Muse có kích thước 4 inch, độ phân giải 480 x800 pixel và sử dụng công nghệ LCD IPS cho độ sáng cao. Góc nhìn rộng, độ tương phản và khả năng hiển thị màu đen ở mức khá, màu sắc rực rỡ nhưng vẫn cho cảm giác hơi rực và ám xanh nhẹ. Khả năng cảm ứng khá nhạy khi hỗ trợ tối đa 5 điểm chạm đồng thời.
Ở phân khúc tầm thấp, Find Muse là chiếc smartphone có khả năng hiển thị tốt, đủ sắc nét và rõ ràng khi lướt web và không có gì phải phàn nàn khi trình chiếu phim ảnh.

Giao diện và hệ điều hành
Oppo khá ưu ái với mẫu smartphone giá rẻ của hãng khi cài đặt sẵn hệ điều hành Android 4.2.2, phiên bản gần mới nhất của Google hiện nay và thậm chí còn chưa xuất hiện trên nhiều smartphone cao cấp. Đi kèm với đó là giao diện được tùy biến riêng, khá quen thuộc trong dòng smartphone Find series.
Oppo-Find-Muse-45-1376905012.jpg
Điểm mạnh của giao diện này vẫn là ở khả năng sử dụng đơn giản, đủ tính năng với các icon lớn, tích hợp một số hiệu ứng đồ họa cơ bản nhưng tập trung nhiều vào tiện ích giúp người dùng sử dụng nhanh, như thanh Notification có sẵn các phím ảo để cài đặt nhanh kết nối, điều chỉnh độ sáng, tắt mở Bluetooth... hay việc xóa ứng dụng chỉ cần giữ vào biểu tượng một lúc và bấm vào dấu x nhỏ ở góc (giống iOS), hoặc gom ứng dụng thành Folder dễ dàng... Giao diện cài đặt phân loại thành 4 nhỏ khá dễ hiểu và tiện lợi.
Cho phép người dùng có thể tải thêm nhiều chủ đề mới, thay đổi màn hình khóa với nhiều phong cách khác nhau là điều thú vị, nhưng giao diện của Find Muse hơi màu mè, các biểu tượng ứng dụng và widget chưa được thiết kế tinh tế... nên phù hợp với người dùng trẻ như sinh viên hay học sinh, chưa làm hài lòng người khó tính.
 
Tính năng
Dù được đặt trong nhóm smartphone giá thấp, số lượng tính năng đi kèm với Find Muse là không ít, thậm chỉ thừa với nhu cầu sử dụng của những người mới bắt đầu sử dụng smartphone, cũng như nhóm khách hàng là học sinh và sinh viên.
Máy được trang bị kết nối 2 sim nhưng hỗ trợ 3G trên cả 2 khe cắm nên người dùng có thể tận dụng được dung lượng dữ liệu lớn hơn, không bị gò bó chỉ sử dụng được 1 sim. Điểm làm hài lòng người đánh giá ở Find Muse là tính năng lựa chọn sim thông minh, khi kích hoạt, máy có thể chủ động chọn sim nào để liên lạc.
Ví dụ như khi có cuộc gọi nhỡ và tin nhắn đến từ sim 2, khi người dùng trả lời lại máy sẽ chủ động kích hoạt sim 2 thay vì yêu cầu người dùng tự chọn là sim nào. Khi kích hoạt chế độ chuyển cuộc gọi, khi sim 2 bị gián đoán máy sẽ chủ động chuyển cuộc gọi về phía sim 1 và ngược lại.
Tuy nhiên, khi sử dụng tính năng này người dùng cần cân nhắc về cước phí, khi việc chuyển cuộc gọi khác mạng sẽ tốn thêm tiền nếu 2 sim khác mạng, còn cùng mạng có thể không mất phí (tính năng chuyển cuộc gọi còn phụ thuộc vào việc nhà mạng có hỗ trợ hay không).
IMG-2818-JPG_1376904803.jpg
Số lượng các ứng dụng mở rộng được cài sẵn với Muse khá đa dạng, như phần mềm chụp hình với hiệu ứng Camera Lomo, công cụ lưu trữ trực tuyến NearMe Sync, bộ ứng dụng văn phòng Office. Ngoài ra, máy còn có thêm một số tiện ích thông minh như lật úp để tắt chuông, nhận diện mắt để không tắt màn hình hay các chế độ bảo mật dữ liệu, tìm điện thoại khi mất, tối ưu CPU để tiết kiệm pin khi cần...
Các tính năng sẵn có radio FM, ứng dụng chơi nhạc số đa định dạng (hỗ trợ cả lossless), phần mềm xem video hỗ trợ đọc phụ đề rời, xử lý Full HD 1.080p và còn có thể trình chiếu kiểu đa nhiệm cửa số nhỏ như Galaxy S3 hay Note II, đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dùng tốt hơn các điện thoại phổ thông.
Oppo-Find-Muse-6-JPG_1376904836.jpg
Nhưng thiếu sót đáng tiếc trong tính năng của Find Muse là nằm ở camera, dù đây điểm yếu chung trên các smartphone tầm thấp. Có cả camera phụ để đàm thoại video, nhưng máy ảnh chính với độ phân giải 3 megapixel lại không có đèn Flash trợ sáng, thiếu tính năng lấy nét chạm thay vào đó là tự động hoàn toàn.
Ảnh từ model của Oppo đạt chất lượng khá khi đủ sáng, độ chi tiết và màu sắc tái tạo hơi nhạt, cho đánh giá ở mức trung bình. Bù lại, Muse vẫn có các tính năng camera mở rộng như chụp ảnh Panorama toàn cảnh, chụp ảnh liên tiếp tốc độ cao.

Hiệu năng và thời lượng pin
Theo đánh giá của Số Hóa, hiệu năng là điểm ấn tượng nhất trên chiếc smartphone giá rẻ mới của Oppo. Trong khi các đối thủ cùng tầm phần lớn đều sử dụng chip xử lý lõi đơn thì Find Muse được trang bị chip lõi kép tốc độ 1,2 GHz.
Nếu phải so sánh với Samsung Galaxy Trend, LG Optimus L5 Dual hay Sony Xperia E về hiệu năng qua các đánh giá phổ biến, Muse là model có kết quả nhỉnh hơn.
Benchmark.jpg
Điểm thử hiệu năng của Muse.
Với chip đồ họa Mali-400MP đạt hơn 43 hình mỗi giây ở bài thử Nena Mark 2, smartphone của Oppo có được lợi thế lớn trong khả năng xử lý ứng dụng, đặc biệt về phần game. So sánh trực tiếp với Galaxy Trend, Find Muse cho khả năng tương thích với nhiều trò chơi hơn, hỗ trợ cả những game có đồ họa 3D chất lượng khá cao. Thử nghiệm game bắn súng Dead Trigger hay Temple Run 2, Find Muse chạy mượt mà trong khi với đối thủ Galaxy Trend, model này tỏ ra khá vất vả để có thể chạy được Temple Run 2, đôi lúc còn gặp hiện tượng bị văng ra.
Dung lượng RAM chỉ 512 MB có thể là hạn chế nếu người dùng soi vào thông số kỹ thuât. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình sử dụng đây lại không phải là điểm yếu của Muse.
Ở trạng thái chờ với các ứng dụng cơ bản chạy ẩn, dung lượng RAM tiêu thụ thường nằm ở mức từ 60 đến 80 MB trên tổng số 471 MB khả dụng. Minh chứng khác là tính năng chiếu video dạng cửa số thu nhỏ (Popup-Play) chạy khá mượt mà, cho phép hoạt động đa nhiệm, máy vừa lướt web hay nhắn tin trong lúc xem video trên khung hình nhỏ.
IMG-2813-JPG.jpg
Trong một số trường hợp như khi thoát trò chơi nặng, giao diện màn hình chủ của máy cũng tạm thời bị trễ lại từ 2 đến 3 giây để trở lại trạng thái bình tháng, dù vậy, đâ là điều khó tránh khỏi ở hầu hết các smartphone Android tầm giá thấp.
Nhìn chung, Oppo Find Muse là chiếc smartphone có khả năng hoạt động ổn định cao xét trong cùng phân khúc. Thậm chí, ngay cả với người đã sử dụng các mẫu Android có cấu hình cao và mạnh mẽ, việc chuyển sang dùng smartphone giá rẻ của Oppo thường xuyên cũng không hề gây khó chịu hay sự bực mình nào.
Cùng cấu hình, thời lượng pin là ưu điểm đáng kể trên smartphone 2 sim của Oppo. Ở chế độ hoạt động trung bình với 2 sim cùng ở kết nối 3G, duyệt web tổng cộng 60 phút với Wi-Fi, kích hoạt tài khoản Facebook cùng 2 tài khoản Gmail, nghe gọi tổng cộng khoảng 10 phút, pin dung lượng 1.700 mAh giúp máy hoạt động trọn vẹn trong 1 ngày sử dụng, từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Ở chế độ 1 sim và hoạt động trên mạng 3G với mức độ tương tự, máy có thể hoạt động kéo dài sang tới quá buổi trưa ngày hôm sau, tương đương hơn 1 ngày rưỡi sử dụng.
Kết luận
Ở tầm tiền từ 3 đến 4 triệu đồng, Find Muse là smartphone tốt về hiệu năng, mang lại khả năng sử dụng khá thoải mái cho người dùng, hơn nhiều sản phẩm Android khác cùng tầm tiền. Thiết kế đơn giản nhưng với màn hình hiển thị ổn, tính năng đa dạng và hỗ trợ 2 sim, sản phẩm ất thích hợp với nhóm khách hàng trẻ như sinh viên, học sinh cũng như những người mới bắt đầu chuyển sang smartphone từ điện thoại cơ bản.

0 nhận xét:

video hai huoc