Đánh giá điện thoại HTC One Max

Sau thành công của dòng sản phẩm Galaxy Note của Samsung, smartphone màn hình lớn còn được gọi với thuật ngữ quen thuộc phablet (smartphone lai máy tính bảng) bây giờ đã trở thành phân khúc phổ biến. Nếu năm ngoái vẫn còn một số hãng chưa có phablet thì năm nay, hầu hết các hãng điện thoại lớn như Nokia, HTC, Sony đều ra mắt sản phẩm trong phân khúc này.
Mặc dù các máy tính bảng từ 7-7.8 inch có kích cỡ khá linh hoạt và sản phẩm bây giờ cũng đa dạng, nhiều lựa chọn nhưng các phablet vẫn có sức hút bởi nó đáp ứng cùng lúc cả hai chức năng: điện thoại và máy tính bảng. Các phablet là những thiết bị kết hợp của hai thiết bị smartphone và máy tính bảng, bởi vậy khi có phablet rồi thì hầu hết người dùng sẽ không cần đến máy tính bảng nữa vì màn hình của nó đủ lớn để lướt web.

Từ trái qua: HTC One Max, HTC One và HTC One Mini 
Chiếc HTC One Max là thiết bị ra mắt muộn nhất trong bộ ba dòng One của HTC năm nay, sau chiếc smartphone cỡ vừa HTC One và cỡ nhỏ HTC One Mini. Điện thoại này là smartphone lớn nhất của nhà sản xuất điện thoại Đài Loan và là máy cao cấp được trang bị hầu hết những thứ tinh túy nhất của HTC như loa kép BoomSound, camera UltraPixel, phần mềm BlinkFeed cải tiến và thiết kế nhôm nguyên khối. Ngoài ra, máy còn được trang bị thêm cảm biến vân tay ở mặt sau. Là máy cỡ lớn nhắm đến nhu cầu giải trí nên One Max là sản phẩm duy nhất trong dòng One được nhà sản xuất đưa thêm khe cắm thẻ nhớ.
Thiết kế
Chiến lược của HTC năm nay tập trung sự chú ý vào dòng One, gồm 3 máy khác nhau về kích cỡ. Sản phẩm ra mắt đầu tiên là chiếc HTC One có kích cỡ vừa (4.7 inch), sau đó chiếc One Mini có kích cỡ nhỏ hơn (4.3 inch) và chiếc thứ ba vừa ra mắt mới đây là One Max có kích cỡ lớn nhất với màn hình 5.9 inch.

HTC One Max vẫn có loa kép BoomSound và hai phím cảm ứng Back, Home giống One và One Mini  
Cả ba máy dòng One có thiết kế chung ngôn ngữ và sử dụng chất liệu nhôm nguyên khối rất sang trọng, chắc chắn. Chiếc One Max kế thừa viền nhựa bọc quanh khung nhôm tương tự One Mini, vì vậy nó trông như phiên bản phóng to của One Mini.
Xét về tính thẩm mỹ, viền nhựa của One Max và One Mini nhìn không đẹp như dải nhựa nhỏ ép giữa hai viền nhôm chạy quanh các cạnh của HTC One. Nhưng ở khía cạnh khác, viền nhựa của One Max không lo bị hở như viền nhựa của HTC One. Viền nhựa của HTC One được ép giữa các mép máy bằng nhôm, hai vật liệu này có độ co ngót khác nhau có thể sẽ bị hở sau thời gian sử dụng. Thực tế, nếu để ý kỹ thì các máy HTC One thường có kẽ hở nhỏ giữa phần nhựa và mép nhôm ở hai đầu máy.
Về các chi tiết, chiếc One Max mang rất nhiều đặc điểm quen thuộc của dòng One: cặp loa kép BoomSound, hai phím cảm ứng Back và Home (không có phím Menu như các điện thoại Android khác) và camera UltraPixel cùng đèn LED flash trợ sáng.
Mặt sau của máy có thêm cảm biến vân tay nhưng không còn công nghệ âm thanh Beats Audio nữa
Ngoài các đặc điểm chung này, One Max có nhiều nét riêng không có trên HTC One và One Mini. Vỏ mặt sau của One Max có thể tháo được để lắp SIM (loại SIM cỡ nhỏ gọi là microSIM) và khe cắm thẻ nhớ cho phép người dùng mở rộng dung lượng tối đa tới 64GB. Sau khi bán hết cổ phần của Beats Audio, One Max cũng không còn được tích hợp công nghệ Beats Audio giống như các điện thoại HTC trước đó gồm cả One và One Mini, nhưng lại có thêm tính năng khá mới mẻ là cảm biến vân tay nằm ở ngay phía dưới camera mặt sau. HTC One Max có bút cảm ứng tương tự Galaxy Note 3 nhưng được bán rời với giá 350.000 đồng và máy cũng không có chỗ để nhét bút giống như phablet của Samsung.
Lẫy để tháo vỏ mặt sau nằm trên cạnh trái của máy
HTC One Max có kích cỡ 164,5 x 82,5 x 10,3 mm, lớn hơn Galaxy Note 3 và cũng nặng hơn (217g và 168g). Với kích cỡ như vậy, chiếc phablet này thực sự là thiết bị dùng hai tay, một tay gần như không thể sử dụng được, kể cả với những việc quen thuộc như nhắn tin, gọi điện hay lướt web. Trong thời gian sử dụng máy, tôi thấy đút máy vào túi quần cũng là vấn đề. Khi mặc quần bò thụng thì có thể nhét vừa nhưng lúc ngồi sẽ rất khó chịu, còn nếu mặc quần ôm thì đút máy vào túi thấy rất cộm.
One Max hỗ trợ cảm biến hồng ngoại (trên đỉnh máy) nên có thể để điều khiển TV
Cảm biến vân tay
Một trong những tính năng thú vị của One Max là cảm biến vân tay, nằm dưới ô phủ màu đen ở phía dưới camera mặt sau. Cảm biến vân tay của One Max là cảm biến dạng quét, yêu cầu bạn phải quét ngón tay lên phần cảm biến chứ không phải bấm giữ tay vào nút Home như trên iPhone 5s của Apple. One Max hỗ trợ 3 dấu vân tay, cũng hạn chế hơn iPhone 5s hỗ trợ tới 5 ngón.
Việc thiết lập cảm biến vân tay khá đơn giản sau một vài thao tác
Mỗi ngón tay có thể gán để thực hiện một chức năng của điện thoại như mở ứng dụng gọi điện, chụp ảnh hoặc tin nhắn. Chẳng hạn, bạn có thể thiết lập để mở camera với ngón trỏ bên phải, ứng dụng gọi điện với ngón giữa hay nhắn tin với ngón trỏ bên trái. Các ứng dụng được thiết lập để bằng vân tay đều có mở cả khi điện thoại đang khóa màn hình. Tuy vậy, hơi thất vọng là cảm biến vân tay hiện không hỗ trợ khi máy đã mở khóa màn hình. Hơn nữa, khi sử dụng thực tế, tôi thấy việc quẹt các ngón tay để mở các ứng dụng tương ứng hay thất bại, thường là phải quẹt tay đến lần thứ 3 hoặc thứ 4 mới thành công. Các lý do mở bằng vân tay không thành công có thể là do tốc độ quét ngon tay hơi nhanh, hơi chậm hoặc định vị chưa chính xác.
Quét ngón tay để mở ứng dụng bằng vân tay rất hay thất bại
Trong khi đó, xét về chức năng, cảm biến này cũng ít tính năng hơn so với Touch ID trên iPhone 5s cho phép sử dụng để xác thực giao dịch mua ứng dụng, nhạc hay sách trên kho nội dung của Apple. Tuy vậy, hạn chế này không hẳn thuộc về HTC bởi kho nội dung Google Play hiện chưa hỗ trợ xác thực bảo mật bằng vân tay. Có thể tính năng này sẽ được HTC cập nhật khi Google Play hỗ trợ.
Màn hình
HTC One Max sở hữu màn hình Super LCD3 kích cỡ 5.9 inch độ phân giải Full-HD tương tự như HTC One nhưng do màn hình lớn hơn nên mật độ điểm ảnh thấp hơn, 373 PPI so với 469 PPI. Tuy vậy, do mật độ phân giải cao nên sự khác biệt đối với mắt giữa hai màn hình này là rất nhỏ. Hơn nữa, chúng ta cũng thường nhìn vào chiếc One Max ở khoảng cách xa hơn so với HTC One nên sự khác biệt này lại càng khó nhận ra.
Nhiều smartphone của HTC có màn hình chất lượng cao. Đặc biệt, màn hình của HTC One hiển thị rất tốt: màu sắc chuẩn, góc nhìn rất rộng (màu sắc chỉ thay đổi rất ít khi vào từ các góc khác nhau), độ sáng tối đa cao và khả năng nhìn dưới ánh nắng cũng tốt. Các ưu thế này tiếp tục thể hiện tương tự trên màn hình của One Max.
Từ trái qua: HTC One Max, Lumia 1520 và OPPO N1
Khi so sánh trực tiếp với hai phablet cùng kích cỡ màn hình là Nokia Lumia 1520 và OPPO N1 bằng mắt thường, màn hình của One Max thể hiện có độ sáng tối đa cao hơn và các màu sắc hiển thị trung thực hơn, còn màu của Lumia 1520 hơi đậm và OPPO N1 hơi nhạt. Góc nhìn của ba máy không chênh lệch nhiều, đều nhìn tốt ngoài trời. Điều này cũng thể hiện khá rõ ràng khi đo màn hình dựa trên thiết bị và phần mềm chuyên dụng. Màn hình của One Max có độ sáng tối đa rất cao (506 nits), màu đen sâu, độ tương phản cao, tỷ lệ lệch các màu cơ bản và không cơ bản rất nhỏ.
Camera
One Max cũng sử dụng camera UltraPixel tương tự HTC One và One Mini, chỉ có một khác biệt nhỏ là không có tính năng ổn định hình ảnh quang (IOS) như camera của HTC One. Trong sử dụng thực tế, camera của điện thoại này cũng không khác biệt gì đáng kể so với chiếc HTC One và One Mini chúng tôi đã có bài đánh giá. (Xem thêm bài Trải nghiệm camera của HTC One).
Có thể nói camera UltraPixel là bước đi rất mạo hiểm của HTC. Trong khi các hãng khác vẫn đua nhau đẩy số lượng megapixel lên mức cao hơn, HTC lại chọn hướng đi ngược lại là chỉ sử dụng camera 4MP và tăng kích cỡ điểm ảnh lên. Nhìn chung, tôi khá hài lòng với chất lượng camera UltraPixel, nhất là khi nhu cầu cơ bản chủ yếu là chia sẻ ảnh để xem trên màn hình điện thoại cũng như máy tính và không cần phóng to để cắt cúp, xử lý hậu kỳ.
Ứng dụng máy ảnh khởi động nhanh, tốc độ chụp cũng rất nhanh và dung lượng file ảnh khá nhẹ, khoảng trên dưới 1MB (bằng gần nửa ảnh chụp từ iPhone 5s và bằng 1/8 bức ảnh chất lượng cao của Lumia 1020) nên việc chia sẻ lên mạng nhanh hơn nhiều so với ảnh chụp từ các camera 8MB và 13MP.
Ở môi trường ánh sáng tốt ngoài trời hoặc trong nhà có nhiều ánh đèn, ảnh chụp từ One Max cũng như HTC One và One Mini cho chất lượng trung bình. Xem trên điện thoại hoặc máy tính nếu không phóng to thì khá đẹp nhưng phóng to thì ảnh bị nhiễu nhiều, ít chi tiết. Tuy vậy, khi chụp ở môi trường ánh sáng yếu, máy thể hiện khá tốt nhờ ưu thế của kích thước điểm ảnh lớn (điểm ảnh càng lớn thì thu sáng càng tốt hơn) và cảm biến BSI, nước ảnh sáng hơn và rõ hơn nhiều so với môi trường thực tế.
Các đoạn video 3 giây chụp từ tính năng HTC Zoe có thể tạo thành các ảnh động GIF như thế này
Ngoài ưu điểm về tốc độ chụp nhanh và file ảnh nhỏ gọn, sự hấp dẫn của camera UltraPixel còn nằm nhiều ở các tính năng phần mềm, trong đó đáng chú ý là tính năng quay phim 3 giây HTC Zoe và tính năng Phim được làm nổi bật (Video Highlight). Khi bật camera ở chế độ Zoe, mỗi khi bấm phím chụp thì máy sẽ thu 20 ảnh độ phân giải cao nhất (4MP) trong đoạn video độ dài 3 giây. Từ đoạn video ngắn này, chúng ta có thể tạo thành một ảnh động GIF, lưu lại từng khung hình riêng hoặc tạo ra bức ảnh chuỗi chuyển động kiểu như phần mềm Nokia Smart Cam trên các máy Lumia.
Các album ảnh trên máy sẽ được tự động tạo thành các đoạn video ngắn, có thể chèn 12 loại hiệu ứng hoặc chèn nhạc nền riêng  
Còn Video Highlight là tính năng tập hợp các ảnh chụp và đoạn phim 3 giây Zoe trong mỗi album ảnh thành một đoạn video khá chuyên nghiệp. Điểm mới trong tính năng này ở phiên bản Sense 5.5 cài sẵn trên One Max là số lượng hiệu ứng cho đoạn Video Highlight tăng từ 6 trên phiên bản Sense 5.0 lên 12 hiệu ứng và đặc biệt là máy cho phép người dùng tự chèn nhạc nền riêng (có thể lấy lời bài hát có sẵn trong máy) hoặc sử dụng nhạc nền mặc định. Nhìn chung, tính năng này khá thú vị nếu bạn có nhu cầu tạo nhanh một video ảnh sau mỗi chuyến đi chụp dã ngoại hoặc muốn tạo clip cho một album ảnh nào đó.
Tính năng chụp cả hai camera trước và sau cùng lúc
Ngoài ra, camera trên One Max còn được bổ sung thêm tính năng mới là chụp cùng lúc cả hai camera trước và sau giống như một số máy của Samsung. Đây là tính năng hữu ích với nhu cầu chụp ảnh tự sướng, đưa khuôn mặt của mình xuất hiện trong một ô nhỏ trên các tấm ảnh phong cảnh.
Một số ảnh chụp từ camera UltraPixel của One Max:
Về quay phim, camera UltraPixel của One Max có thể quay phim độ phân giải Full-HD ở tốc độ 30 fps. Nếu quay ở chế độ HDR thì khung hình của máy nhỏ hơn và tốc độ khung hình cũng thấp một chút, 28 fps. Máy hỗ trợ lấy nét liên tục và có thể khóa nét trong khi quay. Video thu được ở định dạng MP4 với bitrate hình ảnh khá cao, 20 Mbps và âm thanh stereo chất lượng 192 Kbps. Thử quay vài đoạn video từ máy, tôi nhận thấy chất lượng màu sắc và độ chi tiết khá tốt, khung hình chuyển động mượt và âm thanh thu được cũng khá rõ ràng.
Video độ phân giải Full-HD quay từ camera UltraPixel của HTC One Max
Phần mềm
HTC One Max được cài sẵn phiên bản Android 4.3 và giao diện Sense 5.5 mới nhất của HTC hiện nay. Nét mới đáng chú ý nhất ở phiên bản Sense 5.5 là tính năng BlinkFeed được cải tiến tốt hơn và đặc biệt là cho phép người dùng có thể tắt BlinkFeed nếu muốn.
Blinkfeed có giao diện giống như ứng dụng đọc tin Flipboard. Nó tích hợp thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có một số trang tin tiếng Việt như VnExpress, Vietnamnet, Zingnews, 2Sao và cả từ các mạng xã hội như Facebook, Twitter. Ứng dụng này cho phép người dùng đọc tin từ từng nguồn ví dụ như VnExpress hoặc có thể chọn các nguồn ưa thích đưa vào phần tin tổng hợp. Bạn có thể kết nối cả các tài khoản mạng xã hội Facebook hay Twitter vào phần tin tổng hợp trên BlinkFeed để theo dõi và có thể đăng tin lên các tài khoản đó ngay từ giao diện BlinkFeed.
BlinkFeed trên Sense 5.5 được cải tiến tốt hơn
Với những tin bài quan tâm nhưng chưa có thời gian đọc ngay, bạn có thể đưa chúng vào danh sách chọn đọc sau. Đặc biệt trên phiên bản Sense 5.5, HTC đã cho phép người dùng có thể tắt tính năng BlinkFeed nếu muốn. Trước đó trên bản Sense 5.0, người dùng muốn thoát khỏi BlinkFeed chỉ có giải pháp là cài một launcher khác.
Nếu người dùng không thích, có thể tắt BlinkFeed
Ngoài ra, bản Sense 5.5 còn có một vài bổ sung nhỏ khác như khả năng điều chỉnh thứ tự các ứng dụng trong thanh thiết lập nhanh; có ứng dụng Vẽ phác thảo dành riêng cho One Max cho phép bạn có thể dùng ngón tay hoặc bút cảm ứng (mua rời giá 350.000 đồng) viết, vẽ, chèn ảnh, ghi âm và hình sticker để tạo ra các file ghi chú thú vị; ứng dụng camera cũng có một số cải tiến như đã đề cập trong phần nói về máy ảnh phía trên.
HTC One Max cũng có phụ kiện bút cảm ứng nhưng yêu cầu mua riêng và cũng ít ứng dụng được thiết kế cho phụ kiện này
Bên cạnh đó, One Max là sản phẩm đầu tiên trong dòng One thiếu vắng công nghệ Beats Audio quen thuộc trong các điện thoại của HTC từ hơn một năm nay, lý do có lẽ là bởi hãng điện thoại Đài Loan đã bán hết cổ phần trong công ty sở hữu công nghệ âm thanh này. Tuy nhiên, loa kép BoomSound vẫn cung cấp chất lượng âm thanh rất ấn tượng.
Hiệu năng hoạt động
One Max được trang bị hệ thống bộ vi xử lý (SoC) Snapdragon 600 lõi tứ tốc độ 1.7GHz cùng với RAM 2GB và có dung lượng bộ nhớ 16/32 GB tương tự HTC One. Việc sử dụng chung SoC với HTC One sẽ giúp nhà sản xuất tiết kiệm đáng kể chi phí trong quá trình sản xuất One Max, việc kiểm thử và phát triển bản ROM nhanh hơn đồng thời việc nâng cấp phần mềm về sau cũng sẽ thuận tiện hơn.
SoC trên One Max hiện tại có hiệu năng đuối hơn các máy cao cấp khác như Galaxy Note 3, Lumia 1520, LG G2, Nexus 5 và Sony Xperia Z Ultra đều dùng Snapdragon 800. Tuy vậy, trong sử dụng thực tế, điều này không có vấn đề gì lớn. Máy đáp ứng mượt mà mọi hoạt động trên điện thoại, từ việc lướt web, xem phim Full-HD đến việc chơi game, cả các game có đồ họa nặng Asphalt 8 hay Dead Trigger.
Máy chơi mượt game Asphalt 8
Khi đo trên các phần mềm đánh giá hiệu năng (benchmark) tổng thể quen thuộc là Antutu và Quadrant, One Max đạt được điểm nhỉnh hơn một chút so với HTC One nhưng kém hơn các máy sử dụng SoC Snapdargon 800 như LG G2 và Sony Xperia Z Ultra.
(b
Về thời gian pin, pin của máy có dung lượng 3.300 mAh và thời gian sạc đầy mất khoảng 3 tiếng. Khi thử xem phim HD với độ sáng và âm lượng ở mức 70%, tắt các kết nối Wi-Fi/3G, máy chạy 7 giờ 43 phút từ lúc sạc đầy đến khi còn 10%. Kết quả này tốt hơn nhiều so với thời gian xem phim của chiếc OPPO N1 (5 giờ 25 phút) chúng tôi mới đánh giá gần đây và cũng nhỉnh hơn một chút so với HTC One Mini (7 giờ 16 phút). Khi sử dụng thực tế, máy cũng thường đáp ứng đủ pin cho một ngày ở nhu cầu sử dụng ở mức trên trung bình (bật 3G hoặc Wi-Fi liên tục để cập nhật email và thông báo từ mạng xã hội, thỉnh thoảng lướt web, vào Facebook, chơi game, nghe nhạc và thực hiện một số cuộc gọi).
Kết luận
HTC One Max là sản phẩm dành cho người có nhu cầu mua thiết bị kết hợp chức năng của smartphone và máy tính bảng. Nó là một smartphone có thiết kế bằng chất liệu nhôm đẹp, màn hình chất lượng hiển thị tốt, camera tối ưu cho nhu cầu chia sẻ trên mạng, bộ vi xử lý đuối hơn các máy cao cấp khác nhưng sự chênh lệch trong sử dụng thực tế không nhiều.
Tuy vậy, điện thoại này cũng có một vài điểm hạn chế như không còn công nghệ Beats Audio, cảm biến vân tay chưa tiện dụng, bút cảm ứng đi kèm cũng ít chức năng hơn Galaxy Note 3 của Samsung. Bên cạnh đó, mức giá chính hãng 18 triệu đồng của sản phẩm cũng khá là cao.
Thanh Phong
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc (3) 

HTC hoang tưởng

HTC toàn đưa ra cái giá trên trời, tưởng ngon lắm đấy. HTC chết đáng lắm. haha.

onemax

One Max quay film ngon vậy, hình không bị rung

Việc gì phải vác cái đt to đùng bất...

Việc gì phải vác cái đt to đùng bất tiện, phablet android thì G2 cùng lắm là Note 3, HTC hoang tưởng giá ghê thật
Các tin khác 
VnReview trên facebook
172.239 Thích

0 nhận xét:

video hai huoc